Đề án cảng quốc tế Cần Giờ sau khi được đề xuất đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý, đưa vào danh sách ưu tiên đầu tư.
Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa qua đã vạch ra nhiều kế hoạch phát triển hạ tầng quan trọng. Trong đó, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là một trong những nội dung cốt lõi, mang ý nghĩa “vươn mình ra biển lớn” với loạt tầm nhìn chiến lược.
Dự án này mang lại chuỗi hạ tầng kết nối chặt chẽ, hiện đại và thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, vận tải hàng hóa cũng như mở rộng phạm vi thu hút đầu tư, mở ra môi trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chiến lược xây dựng dự án cảng quốc tế Cần Giờ
Lựa chọn Cần Giờ làm nơi triển khai dự án cảng trung chuyển quốc tế, lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là quyết định phù hợp nhất khi có thể khai thác được các thế mạnh về vị trí địa lý và điều kiện thuận lợi của địa phương.
Cần Giờ là vùng đất năng động về mặt kinh tế, cái tên khá ấn tượng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tàu tải trọng lớn có thể ra vào tại khu vực một cách thuận lợi, dễ dàng gom hàng từ các cảng trong nước và liên kết với loạt tuyến hàng hải quốc tế.
Xây dựng đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xem là bước tạo đà quan trọng để Việt Nam khẳng định và thay đổi vị thế của mình trong mắt bạn bè thế giới, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các ngành logistic, công nghiệp tàu thủy phát triển,… nắm giữ vai trò cửa ngõ của tuyến đường thương mại giữa các quốc gia.
Với tầm nhìn này, về lâu dài, cảng quốc tế Cần Giờ sẽ là điểm nối quan trọng đối với câu chuyện giao thương toàn cầu.
- Tối ưu các chi phí vận tải trung gian trong xuất nhập khẩu
- Thu hút các doanh nghiệp logistic, nhà vận tải quy mô lớn
- Kết nối, trung chuyển giữa các trung tâm hàng hóa thế giới
- Góp phần phát triển kinh tế – xã hội quốc gia,…
Theo chia sẻ từ Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn – Ông Nguyên Lê Chơn Tâm, sau khi hình thành, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến sẽ thu hút khá đông các doanh nghiệp lớn, mở ra cơ hội việc làm cho khoảng 8.000 lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động ở các dịch vụ liên quan. Thu ngân sách cũng ước tính đạt từ 34.000 – 40.000 tỷ đồng/năm.
Toàn cảnh quy mô và kế hoạch thực hiện cảng quốc tế Cần Giờ
- Vị trí dự án: Cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Toàn dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được triển khai trên khu đất có tổng diện tích 571ha. Trong đó:
- Khoảng 101,5ha dành cho vùng nước, phục vụ hoạt động của cảng
- Khoảng 469,5ha dùng cho khu cầu cảng, khu văn phòng, giao thông và kho bãi, khu nhà ở công nhân cùng các hạ tầng kỹ thuật khác,…
Quá trình thực hiện dự án được chia thành 07 giai đoạn, tổng mức đầu tư gần 5,5 tỷ USD. Theo kế hoạch, từ 2024 – 2027 sẽ triển khai giai đoạn 1 và giai đoạn 2; còn lại sẽ triển khai sau năm 2030. Dự kiến cảng sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2027.
- Cầu cảng có chiều dài 7km và bến sà lan 2 km
- Công suất đạt 4,8 triệu – 16,9 triệu Teu (từ 2030 – 2047)
Định hướng xây dựng và phát triển các quốc tế Cần Giờ sẽ theo các tiêu chuẩn của cảng xanh, phát triển kinh tế, ứng dụng công nghệ hiện đại song song với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Đây là ý tưởng then chốt đối với chiến lược phát triển kinh tế biển của nước ta, được lãnh đạo các cấp quan tâm và đốc thúc thực hiện.
Loạt hạ tầng mở rộng với Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu
Một trong các nội dung quan trọng trong đề án thực hiện cảng quốc tế Cần Giờ chính là đầu tư xây dựng những tuyến giao thông kết nối vào cảng, hỗ trợ tối đa chức năng trung chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho “quy trình” vận tải hàng hóa.
Theo đó, hàng chục ngàn tỷ đồng cũng sẽ được rót về trong giai đoạn này, mục đích hoàn thành nhiều dự án hạ tầng liên kết Cần Giờ với Đồng Na và Bà Rịa Vũng Tàu.
Tập trung xây dựng cầu Cần Giờ
Trong quý 2/0224, dự án được dự kiến sẽ trình quyết định chủ trương đầu tư lên HĐND Tp. Hồ Chí Minh. Theo tiến độ sẽ khởi công vào tháng 4/2025 và vào 2028 sẽ chính thức hoàn thành. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 11.000 tỷ đồng, bao gồm 50% vốn ngân sách.
Dự kiến, cầu có điểm đầu tại đường 15B thuộc huyện Nhà Bè, vượt sông Soài Rạp và nối đến đường Rừng Sác (cách phà Bình Khánh hơn 2km).
Hoàn thiện tuyến giao thông Rừng Sác
Tính đến thời điểm hiện tại, từ Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận muốn kết nối đến Cần Giờ hầu như đều chỉ thông qua tuyến đường Rừng Sác. Do đó, dự kiến sẽ phá thế độc đạo của tuyến đường này bằng việc xây dựng nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Dự kiến, Tp. Hồ Chí Minh sẽ bố trí khoảng 2.400 tỷ đồng để thực hiện (vốn ngân sách). Không chỉ là nút giao mang lại sự hoàn chỉnh cho chuỗi kết nối đến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đây còn là động lực rất lớn cho các khía cạnh kinh tế – xã hội khác của địa phương.
Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh cũng có kế hoạch quy hoạch tuyến đường sắt đô thị dọc đường Rừng Sác. Tuyến đường sắt này dự kiến sẽ nối tuyến Metro số 4 với Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Bên cạnh đó, xây dựng tuyến kết nối cụm cảng Cần Giờ – Cái Mép với các tuyến ven biển để tăng cường chuỗi liên kết với Bà Rịa Vũng Tàu.
Do đó, đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ tạo ra thay đổi lớn cho kinh tế mà còn góp phần làm nên diện mạo mới cho hạ tầng của nhiều địa phương. Trong mục tiêu chung là hình thành giao thông xuyên suốt, các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu cũng có thêm cơ hội mới trong thu hút đầu tư, mở ra các triển vọng lớn về tiềm năng tương lai.