Bên cạnh vấn đề kinh phí, công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai vẫn còn gặp khó khăn vì “đất vắng chủ”.
Xét theo tiến độ chung thì cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang nỗ lực đẩy nhanh mọi công tác, tuy nhiên, giữa các dự án thành phần lại có sự chênh lệch khá lớn. Trong khi đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu đang “băng băng” về đích thì Đồng Nai lại có phần chững lại, nhiều vấn đề phát sinh chưa được giải quyết kịp thời, trong đó phần lớn liên quan đến công tác kiểm đếm, đền bù cho các hộ dân có đất làm dự án.
Cụ thể, gần 400ha đất của hơn 2000 hộ dân được thu hồi nhưng chỉ bàn giao mặt bằng được khoảng 13%. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ thực hiện dự án.
Xác định nguồn gốc đất gặp khó khăn
Ông Nguyễn Hồng Quế – Phó giám đốc Ban quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư Đồng Nai cho biết, công tác kiểm đếm mặt bằng dự án cao tốc đã đạt 95,7%. Phần còn lại chưa thể kiểm đếm cho không xác định được chủ của 240 thửa đất.
Số thửa đất này nằm rải ở cả 02 dự án thành phần, gồm 117 thửa (6ha) tại dự án thành phần 1 và 123 thửa (hơn 12,5ha) tại dự án thành phần 2. Nguyên nhân xuất phát từ việc các thửa đất này có nguồn gốc không rõ ràng do mua bán viết tay, số khác lại xây nhà trên đất nông nghiệp. Dù chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng lại kéo tiến độ chung của cả toàn dự án.
Thiếu mặt bằng dẫn đến những khu vực này gần như “đóng băng”, không thể triển khai bất cứ công tác nào có liên quan, nhất là không thể đưa máy móc, thiết bị vào khi chưa có đường công vụ. Nếu không sớm bàn giao 240 thửa đất này thì chắc chắn dự án vẫn còn ì ạch trong thời gian tới.
Tổng lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Trước tình hình cấp thiết này, ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Giao thông Vận tải đã có buổi làm việc nhằm xem xét thực trạng, có phương án đôn đốc thực hiện, giải quyết vấn đề tồn đọng. Điều quan trọng là địa phương phải biết được chính xác nguyên nhân điểm nghẽn ở đâu, như thế nào để có hướng đi phù hợp.
Với tình trạng các hộ chưa bàn giao mặt bằng, trước hết là có phương án thỏa thuận về chi phí bồi thường, thời gian thu hồi; thứ hai là cho thấy tinh thần quyền liệt, khẩn trương hơn.
Được biết trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt chi thêm 180 tỷ đồng tiền bồi thường cho các hộ dân tại xã Phước Bình, Long Phước. Đồng thời, phê duyệt quy hoạch 1/500 đối với dự án khu tái định cư phường Tam Phước quy mô 31ha.
Ngoài các lô đất phục vụ cho mục đích xây nhà, an cư thì dự án còn đầu tư thêm về mặt tiện ích, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thương mại, dịch vụ, an sinh xã hội,…
Ngoài ra, mới đây, tỉnh Đồng Nai cũng có kiến nghị bổ sung thêm kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng, quyết tâm tháo gỡ khó khăn trong thời gian ngắn nhất.
240 thửa đất “bị chậm” sẽ được bồi thường như thế nào?
Thống kê cho thấy, 240 thửa đất này đa số là đất nông nghiệp có xây nhà trên đất, đất mua bán giấy tay. Không chỉ riêng vấn đề xác định đúng chủ sử dụng đất hợp pháp mà nhiều câu hỏi về đến công tác bồi thường cũng được đặt ra. Chính những thủ tục pháp lý liên quan cũng là yếu tố khiến cho việc xử lý mặt bằng bị chậm.
Đất mua bán bằng giấy viết tay có thuộc diện được bồi thường?
Mua bán đất bằng giấy viết tay là hình thức tiềm ẩn khá nhiều rủi ro nhưng lại không hề hiếm gặp. Mua bán giấy tay có thể nhanh chóng, đơn giản nhưng không đáp ứng yêu cầu về mặt hình thức lẫn nội dung theo quy định pháp luật, dẫn đến quyền lợi các bên không được đảm bảo.
Theo các quy định tại Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi và bổ sung bởi Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, có các mốc thời gian cần lưu ý như sau:
- Nếu mua bán đất bằng giấy viết tay trước ngày 01/7/2014, các giao dịch này vẫn được công nhận. Do đó, giấy viết tay vẫn có giá trị pháp lý, làm cơ sở để xác định chủ sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Nếu mua bán đất bằng giấy viết tay sau ngày 01/7/2014, các giao dịch sẽ không được công nhận vì sau thời điểm này, luật quy định việc mua bán đất phải lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực.
Trong khi đó, Điều 75 Luật Đất đai 2013 có nêu rõ các điều kiện để được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng bao gồm:
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
Như vậy, để được xem xét bồi thường khi đất bị thu hồi nhưng lại mua bán bằng giấy viết tay thì cần xem thời điểm sử dụng giấy tay đó và có thuộc trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không.
Xây nhà trên đất nông nghiệp có được bồi thường không?
Theo các quy định về mục đích sử dụng đất của Luật Đất đai hiện hành thì việc xây dựng nhà chỉ được cho phép thực hiện trên đất ở. Do đó, xây nhà trên đất nông nghiệp là hành vi trái pháp luật.
Khoản 2 Điều 92 Luật Đất đai 2013 nêu rõ, Nhà nước sẽ không bồi thường tài sản gắn liền với đất khi thu hồi, nếu tài sản đó được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, các hộ có nhà trên đất nông nghiệp sẽ không được bồi thường đối với căn nhà đó. Tuy nhiên, vẫn được xem xét bồi thường theo diện thu hồi đất nông nghiệp, đảm bảo người dân được ổn định đời sống và sản xuất.
Hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu vẫn là sự quan tâm lớn của người dân và lãnh đạo địa phương. Sắp tới đây các động thái quyết liệt hơn sẽ được áp dụng để không làm chậm thêm tiến độ dự án.
Tham khảo bài viết: Vũng Tàu quyết tâm “làm mới” Bãi Sau, đón đầu cơ hội